Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Hiểu rõ khai quang điểm nhãn tượng Phật, Bồ tát


Các chùa sau khi tôn tạo xong tượng Phật, Bồ-tát thường tổ chức lễ khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng hay lễ an vị. Từ đó, một số Phật tử có điều kiện muốn thờ Phật tại nhà thường thỉnh các sư về nhà làm lễ này. Phật tử nào không có điều kiện trước khi thỉnh tượng Phật về thờ tại nhà cũng thường hay đưa lên chùa nhờ các sư khai quang điểm nhãn.
Tuy nhiên, trên thực tế, ít người hiểu đúng ý nghĩa của nghi thức khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng trong đạo Phật. Một số người quan niệm mê tín rằng "nếu không làm lễ khai quang, tức là đưa Thần Lực của Phật an ngự vào tôn tượng, thì có những loài ma quỷ sẽ nhập vào đó để hưởng hương khói và sự cúng dường." Hoặc hiểu ý nghĩa của khai quang điểm nhãn hô thần nhập tượng là "làm tăng linh khí của pho tượng trước khi thờ cúng". Hoặc cho rằng "việc khai mở một vật từ vô tri trở nên linh thiêng thì phải có những vị thầy biết được bộ môn Khai quang điểm nhãn. Tức là phải biết mật mã để khai mở." (*)
Vậy ý nghĩa đích thực của khai quang điểm nhãn là gì?
Trước hết, cần phải hiểu rõ việc thờ Phật và Bồ-tát tại chùa cũng như tại gia là nhằm nhắc nhở mọi người y theo lời dạy của chư Phật, chư Bồ-tát tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Thờ Phật, Bồ-tát không phải là để cầu xin quý ngài ban phước ban lộc cho chúng ta, bởi vì đạo Phật quan niệm mọi việc trên đời này đều có nhân có quả, không có chuyện cầu xin, cúng bái mà được.
Mở đầu khoa nghi khai quang điểm nhãn của Phật giáo miền Bắc, chư Tổ Sư định nghĩa thế nào là pháp khai quang điểm nhãn bằng bài kệ thất ngôn tứ cú: "Đại khai trí kính (cảnh) minh như nhật/ Thước phá vi trần thế giới trung/ Nhất niệm liễu nhiên siêu bách ức/ Thiên sai vạn biệt tổng giai không. Nam mô khai bảo kính (cảnh) Bồ-tát ma-ha-tát".
Tạm dịch: Khai quang là tu tập để đạt được cái gương trí tuệ sáng rỡ như ánh mặt trời, soi rõ mọi thứ nhỏ nhoi nhất trong thế gian này. Chỉ cần một niệm ngộ được cái gương trí tuệ này thì tự nhiên vượt lên tất cả mà nhận ra rằng mọi thứ đúng sai trong đời đều là Không. Con xin cúi đầu đảnh lễ vị đại Bồ-tát đã đạt được chiếc gương trí tuệ quý giá."
Cái gương trí tuệ ấy trong Duy thức học gọi là Đại viên kính/ cảnh trí (大 園 鏡 智). Theo Từ điển Phật học (Phân viên nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản năm 1992), "Đại viên kính/ cảnh trí là một trong bốn trí của Hiển giáo. Theo Đại thừa giáo thuyết về bốn trí của đức Như Lai thì chuyển từ thức thứ 8 của phàm phu tới Như Lai, gọi là Đại viên kính trí. Đại viên kính (gương tròn sáng) đó là dụ. Trí thể ấy thanh tịnh, lìa pháp tạp nhiễm lậu, từ nghiệp báo thiện ác của chúng sinh hiển hiện cảnh giới của muôn đức, như tấm gương tròn lớn, nên gọi là Đại viên kính/ cảnh trí."
Trong cuốn Vấn đề nhận thức trong Duy thức học (Lá Bối xuất bản năm 1969), trang 111, Hòa thượng Nhất Hạnh viết: "Tịnh và bất tịnh cùng một thể. Nếu tất cả các chủng tử (hạt giống - NV) đã được chuyển từ bất tịnh sang tịnh rồi thì A Lại Gia (thức thứ 8 - NV) sẽ được chuyển thành Đại viên cảnh trí, đồng với chân như (tathatà)."
Trong lúc hành trì khoa nghi khai quang, sau khi sái tịnh tôn tượng và xung quanh đàn tràng, vị sám chủ cầm cái gương giơ lên đưa qua đưa lại trước tôn tượng Phật, Bồ-tát là một hành động nhắc mọi người hiểu rằng một khi đã tẩy rửa/ chuyển hóa cái tâm bất tịnh thành tịnh thì Đại viên cảnh/ kính trí liền hiển lộ.
Cái gương biểu tượng cho Đại viên cảnh/ kính trí. Đã là biểu tượng thì không quan trọng việc phải dùng gương mới hay cũ, chưa dùng hay đã dùng như một số người quan niệm. Và sái tịnh biểu tượng cho việc lau chùi, tẩy rửa tâm bất tịnh có trong mỗi người.
Tiếp đến, vị sám chủ viết chữ Án trên diện tượng Phật, Bồ-tát, đồng thời niệm: "Phụng/ cung thỉnh Như Lai điểm khai nhục nhãn ..., thiên nhãn ..., tuệ/ huệ nhãn ..., pháp nhãn ..., Phật nhãn ...". Nghĩa là chúng sinh nương vào các pháp môn tu hành của Phật dạy mà có thể khai mở được nhục nhãn, thiên nhãn... Đây gọi là điểm nhãn tượng Phật, Bồ-tát hay khai ngũ nhãn.
Trong Mật tông, chữ Án có công dụng thay thế cho chư Phật, chư Bồ-tát, có sức linh diệu hơn hết. Tiếng Án là tiếng tạo tác, nó sáng lập ra muôn vật, muôn cõi. Cũng có nghĩa là “bổn mẫu” hay “bổn”, nghĩa là căn bổn, mẫu tức là gốc, cho nên có câu thần chú gọi là Phật mẫu Chuẩn đề thần chú, nghĩa là chư Phật là cha mẹ của hết thảy chúng sanh. Nhờ hành trì chữ Án mà phát sanh ra trí huệ bát nhã để tự độ và độ tha.
Từ điển Phật học định nghĩa ngũ nhãn là năm loại mắt, gồm: 1/ Nhục nhãn: mắt của thân xác; 2/ Thiên nhãn: mắt của chư thiên trên cõi trời Sắc giới, cũng là mắt mà thiền giả đắc được khi đang tu tập; với mắt này thì chẳng luận gần, xa,trong, ngoài, sáng tối , đều thấy được tất cả; 3/ Huệ nhãn: mắt của các vị tu tập đắc đạo, nhờ dùng trí tuệ quán được Chân không vô tướng; 4/ Pháp nhãn: mắt trí tuệ của chư vị Bồ Tát, vì hóa độ chúng sanh nên nhìn thấy tất cả các pháp môn; 5/ Phật nhãn: Mắt của Chư Phật.
Theo Vô Lượng Thọ Kinh, chư Bồ tát ở cõi Tịnh độ có Ngũ nhãn và được hiểu là: 1/ Nhục nhãn: trong suốt, không chi là không phân biệt tỏ rõ; 2/ Thiên nhãn: thông đạt, vô lượng, vô hạn; 3/ Pháp nhãn: quan sát cùng tột thật tướng của các pháp; 4/ Huệ nhãn: thấy được chân tướng, có thể độ chúng sanh sang bờ an vui; và 5/ Phật nhãn: con mắt thấy đầy đủ, thông suốt vạn pháp.
Đại sư Thần Tú (Trung Quốc) khuyên: "Thân thị bồ-đề thọ/ Tâm như minh cảnh đài/ Thời thời cần phất thức/ Vật sử nhạ trần ai (身 是 菩 提 樹/ 心 如 明 鏡 臺/ 時 時 勤 拂 拭/ 勿 使 惹 塵 埃)". Tạm dịch: Thân như cây bồ-đề/ Tâm như đài gương sáng/ Luôn luôn phải lau chùi,/ Chớ để dính bụi nhơ.
Như vậy, mục đích của việc hành trì nghi lễ khai quang điểm nhãn trong đạo Phật trước khi tượng Phật, Bồ-tát nào đó được tôn thờ trong chùa cũng như tại nhà là để nhắc nhở mọi người hằng ngày phải luôn luôn thực hành Phật pháp, chùi rửa tâm bất tịnh để đạt được Đại viên kính/ cảnh trí, và ngũ nhãn, tức là đạt đến quả vị Phật.
Quần Anh - Báo Kiến Thức

SỰ TÍCH BÁT TIÊN

Trong hệ thống thứ bậc của đạo Lão có 8 vị tiên bất tử. Truyền thuyết nói rằng họ đều đã nếm qua rượu và đào tiên nên bất tử và được coi là biểu tượng của sự trường sinh và những điềm lành, sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho gia chủ.
Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua với các triều đại. Tám vị tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có Chung Ly Quyền, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hoà, và Hà Tiên Cô. Rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, tám vị này là Đại Tiên trong Đạo gia, và họ thường tụ tập, họp mặt với nhau.
Tào Quốc Cữu là hoàng tộc của một hoàng đế; Lý Thiết Quải có tật ở chân nên bước đi với một cây gậy; Hà Tiên Cô là một phụ nữ trẻ đẹp; Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi già của mình và thường cưỡi ngược trên lưng lừa. Hàn Tương Tử là cháu trai của Hàn Dũ, một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường, thường thích thổi sáo; Chung Ly Quyền luôn luôn được nhìn thấy với một tay phe phẩy cái quạt lá.
1/. Hán Chung Ly
Chung Ly Quyền, hiệu là Vân Phòng, làm đại tướng trong triều đình nhà Hán nên còn được gọi là Hán Chung Ly hay Hớn Chung Ly. Ông có thân hình mập mạp, bộ râu xoăn và đôi mắt khoan hòa, mặc chiếc áo phanh trần, để lộ chiếc bụng tròn. Ông là vị tiên luyện nước thánh và tay phe phẩy chiếc quạt thần dùng để cứu người bệnh. Khi mới sinh, trên nóc nhà ông có hào quang sáng rực.
Chung Ly Quyền tượng trưng cho sức khỏe và quyền năng chữa bệnh. Có vị tiên này trong nhà sẽ giúp cho các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh.
2/. Trương Quả Lão
Là một lão tiên chuyên nghề thuật sĩ và những lĩnh vực huyền bí. Vật tiêu biểu là cái trống cơm và con lừa mà ông luôn cưỡi nhưng ngồi ngược. Khi không cưỡi, ông gói con lừa lại cho vào một cái bị cói đeo kè kè sau lưng.
Trương Quả Lão tay mang một nhạc cụ giống như ống tre. Ông nắm giữ sự thông thái của tuổi già. Ông được tôn là nhà hiền triết, ban sự thông thái, minh mẫn cho những người cao tuổi trong gia đình.
3/. Lã Động Tân
Ông xuất thân Đạo gia nên thường sử dụng phất trần và kiếm phép. Kiếm phép là kiếm biết bay và nghe theo lời ông sai khiến. Ông được tôn là ông tổ của nghề thợ cạo.
Là một học giả ẩn dật được tôn sùng như thần hộ mệnh của những người bệnh, thanh kiếm của ông có phép thuật để xua đuổi những linh hồn quỷ dữ và loại bỏ những nguồn năng lượng xấu. Tay phải ông cầm phất trần để chữa bệnh. Đặt vị tiên này trong nhà sẽ giúp cho mọi thành viên của gia đình tránh được bệnh tật do âm khí tạo ra.
4/. Tào Quốc Cữu
Tào Quốc Cữu (Tào Hữu), em ruột của Tào Thái hậu, đời vua Tống. Ông có nghề gõ phách nhịp, nên còn được xưng tụng là ông Tổ của các kịch sỹ, diễn viên. Ông kết bạn với Hán Chung Ly và Lã Động Tân sau đó từ bỏ vinh hoa phú quý và tu tiên. Ông thường mặc một chiếc áo nhà quan quý phái, toát lên vẻ cao quý, thanh nhã. Đặt vị tiên này trong nhà sẽ giúp con đường công danh, địa vị xã hội được thăng tiến.
5/. Lý Thiết Quả (hay còn gọi là Lý Thiết Quải)
Lý Thiết Quải – vị tiên có quyền năng nhất trong 8 vị
Trong Bát Tiên thì Lý Thiết Quải là vị Tiên đắc đạo đầu tiên và sau đó có công giúp các vị kia thoát tục thành Tiên. Vì thế, người ta còn nói Lý Thiết Quải là vị Tiên đứng đầu bảng của Bát Tiên.
Lý Thiết Quải: họ Lý, tên là Huyền, hiệu là Ngưng Dương, nên thường gọi là Lý Ngưng Dương, diện mạo nghiêm trang, tính khí ngay thẳng, trong sạch, học rộng biết nhiều, không theo đuổi công danh mà muốn đi tu Tiên.
Biết được Lão Tử đang dạy đạo trên Hoa Sơn, Lý Ngưng Dương liền tìm đến xin học. Chính vì thế mà hình ảnh của ngài tượng trưng cho trí tuệ và sự sáng suốt.
6/. Hàn Tương Tử
Hàn Tương Tử là người có biệt tài thổi sao nên được gọi là Học Sỹ thổi tiêu, ông đã sáng tác những bản nhạc êm dịu từ ống sáo thần. Ông sống dưới thời nhà Thương, là bạn có Lã Động Tân và cũng nhờ đó tu đắc đạo. Tiếng sáo thần thu hút những điềm lành bao quanh ông, vì thế mà tất cả muông thú, côn trùng, cây cỏ đều phát triển mạnh mẽ khi ông xuất hiện.
Khả năng đặc biệt của Hàn Tương Tử là có thể làm cho cây cối mọc nhanh trong tích tắc. Hình ảnh Hàn Tương Tử với rất nhiều những mầm cây trong chiếc bao tải đeo sau lưng tượng trưng cho một cuộc sống viên mãn.
7/. Lam Thể Hòa
Tương truyền Lam Thể Hòa (hay còn gọi là Lam Thái Hòa) do Xích Cước Đại Tiên đầu thai xuống trần, có hình dáng cậu bé trai (hoặc bé gái trong nhiều dị bản), tay xách giỏ hoa, thường mặc áo rộng màu xanh, buộc dây lưng đen, một chân đi đất, một chân mang giày, mùa hè mặc áo bông mà không biết nóng nực, mùa đông chỉ mặc áo đơn mà không biết lạnh.
Thực tế không phân biệt được Lam Thể Hòa là nam hay nữ nên dân gian coi ông là bán nam bán nữ. Ông sinh vào cuối thời Thương và đắc đạo sau một trận say túy lúy, trời long đất lở, ông được một con ngỗng trời đưa về trời.
Thường ngày, ông ra chợ, vừa ca vừa gõ nhịp, để xin tiền bố thí. Những bài ca do ông tự đặt ra đều có ý khuyên người đời bỏ dữ theo lành. Tiền xin được, ông cột vào dây lưng và bố thí cho người nghèo khổ. Lam Thể Hòa là một vị tiên mang đến sức khỏe và niềm vui cho gia đình.
8/. Hà Tiên Cô
Hà Quỳnh hay Hà Tiên Cô quê ở huyện Tăng Thành, tỉnh Quảng Châu, đời nhà Thương, đây là vị nữ tu chính xác duy nhất trong Bát Tiên (do Lam Thể Hòa không biết là nam hay nữ). Tương truyền lúc còn nhỏ bà vốn được gọi là Hứa Sinh (là tên con trai), sau mới được coi là nữ (nhiều tài liệu cho rằng bà đã cải giống chuyển từ nam thành nữ). Bà rất có hiếu, một lòng phụng dưỡng mẹ già ốm đau, nhờ đó mà đắc đạo thành tiên.
Khi còn bé, vị tiên này có 6 cái xoáy trên đầu mà ai cũng cho là kỳ tướng. Sau khi thành tiên, Hà Tiên Cô thường cầm hoa sen linh thiêng và cây phất trần. Nếu thờ bà trong nhà thì những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, hoa sen và trái đào biểu thị cho sự sung túc và trù phú.
Thùy Lan

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Các loại phù chú :


Các loại phù chú :
Trong thành phố đất hẹp người đông, tìm cho gia đình môt căn nhà lý tưởng vừa ý theo địa lý phong thủy không dê dàng. Và tính sùng bái thần quyền còn đậm sâu trong tâm linh mỗi người, nên mọi người thường dùng đến phù chú để sửa những căn nhà không hợp hướng hay không đủ sắc khí xét theo dương trạch.
Vào đời tiền Hán bên Trung Quốc đã có tục làm phù, tức dùng thân tre dài sáu tấc tính theo đơn vị xưa (một thước Tàu ngày xưa bằng 40 phân ngày nay), có hai mảnh giống nhau ghép lại. Lúc đó phù có uy quyền, bởi do Hoàng Đế gửi cho mọi người. Sau đó các pháp sư cho rằng thần linh cũng có phù để cho mọi người, nên đặt tên là “thần phù”.
Ban đầu cho xuất hiện loại “đào phù” dùng xua đuổi tà ma, lấy câu chuyện của Quách Phác (đời Tấn, năm 276 – 324) viết trong “Huyền Trung Ký”, kể lại chuyện :
- Phía nam kinh thành có núi Đào Đô, trên núi có cây đào to lớn cành lá xum xuê, và trên đỉnh cây có con gà trời đậu trên đó. Khi mặt trời mọc chiếu vào cây đào, con gà trời liền gáy vang báo hiệu một ngày mới đã đến. Bên dưới gốc cây đào có hai vị thần, bên tả tên Long bên hữu tên Viên. Hai vị thần tay cầm một nhành đào, đợi lúc quỷ dữ đi đêm về qua bất thần giết chết chúng (theo tương truyền, hai vị thần Long Viên còn có tên Thần Đồ và Úc Lũy).
Từ đó loan truyền cành đào trên Đào Đô sơn có thể trừ được tà ma quỷ dữ, bọn chúng khi thấy cây đào, hoa đào, hay trái đào đều muốn lánh xa. Mọi người rất tin nên đổ xô lên Đào Đô sơn chặt lấy cành đào, hoa đào hay trái đào mang về, dùng làm vật trấn loài yêu ma quỷ quái trước cửa nhà.
Các pháp sư làm “đào phù” bằng cách cho vẽ cành đào, hoa đào hay người cầm trái đào tiên, cho dán trước cửa (theo tương truyền Hoàng Thạch Công là người đầu tiên sáng tạo ra “đào phù”). Đến ngày nay vào dịp tết, mọi nhà thường trưng hoa đào, vừa trang trí đón xuân, vừa mang ý nghĩa xua tà đuổi ma.
ần dần có người muốn tờ “đào phù” không chỉ dán trước cửa nhà được năm ba ngày rồi hư hỏng, họ muốn để đạo phù hiện hữu quanh năm cho đỡ tốn kém, nên “đào phù” bắt đầu được làm bằng gỗ đào chỉ to bằng khổ sách, trên mặt khắc hình hai ông “thần giữ cửa” tức Thần Đồ và Úc Lũy, trong “đào phù” còn viết những “câu chú” giản dị, đặt nơi ma quỷ thường xâm phạm, nếu thấy phù phải tránh xa.
Đào phù có 12 miếng, viết từ chi Tý đến chi Hợi, nhà nào thuộc hướng chi nào lấy đào phù theo chi ấy.
Theo các sách, “đào chú” ra đời vào đầu thế kỷ thứ 3 và vào cuối thế kỷ trên đã biến dạng, bởi “đào phù” không nhất thiết phải vẽ trên ván đào, có khi làm bằng lá kim loại, vẽ trên gương, hay trên vải, trên giấy miễn sao giữ được lâu ngày. Bấy giờ không còn gọi “đào phù” mà thay bằng tên gọi “phù chú” hay “bùa chú”.
1/- Phù Trấn Trạch : Trong thuật xem địa lý phong thủy đặc biệt về dương trạch, nếu thấy căn nhà có họa dữ hoặc xảy ra sự việc bất tường, các thầy tướng địa thường dùng một số cách để cứu vãn, nhằm hóa hung thành kiết, gặp dữ hóa lành.
Theo Dũ Tín trong cuốn Dũ tử sơn tập – Tiểu nguyên phú, có câu “Dùng mai thạch trấn trạch thần, dùng gương soi trấn sơn tinh” (là 2 loại dùng trừ khử các ác thần).
Thông thường phù chú được viết trên giấy thô màu vàng, dùng để đeo trong người hay treo dán trước cửa nhà, hoặc để trong nhà, chôn xuống đất trừ họa tai.
- Loại phù “Ngũ nhạc trấn trạch” gồm 5 loại, chia ra trung tâm và bôn hướng Đông Tây Nam Bắc, khi gia chủ bất an hoặc thấy bất lợi về mặt vật chất hay tinh thần, dùng một trong năm loại phù này mà dán ở tâm cửa ra vào .
- Phù “Thập nhị niên thổ phủ thần sát” gồm 12 lá, từ Tý đến Hợi. Khi xây dựng nhà phạm phải thổ thần, hung thần, dùng ván gỗ cây đào để vẽ phù, đặt ngay chỗ phạm.
- Phù “Tứ phương thổ cấm tính thoái phương thần”, gồm 4 loại :1- Hợi – Tý – Sửu (Bắc, Đông Bắc), 2- Tị – Ngọ – Mùi (Nam, Tây Nam), 3- Thân – Dậu – Tuất (Tây, Tây bắc) và 4- Dần – Mão – Thìn (Đông, Đông Nam), có nghĩa dán ở phương nào thì quỷ thần phương đó phải lánh, vì đã do Thần Đất ngự trị, cai quản. Khi phạm “tam sát hung thần” dùng ván đào viết chữ son đặt vào nơi phạm (hình 1).
- Ngoài ra còn có các loại phù trấn khác như “Trấn hành niên kiến trạch thần” (tức yểm năm xây dựng xấu), trấn tám vị trí quái hào phản nghịch, trấn thân phòng tương khắc (vợ chồng thường hay xích mích), thôn phù Thượng lương v.v…
Các loại phù trấn trạch, ngày trước được vẽ trên ván đào mực chu sa, có kích thước nhất định, như rộng một thước hai (thước Tàu) hợp cho loại “Trấn trạch thập nhị thổ phù thần sát”, cao một thước hai phạm ác thần nào khớp với 12 Địa Chi hay 24 phương hướng.
Trên ván các thầy tướng địa có khi thêm chữ Thiện hoặc Phúc, tùy theo ngôi nhà phạm phải ác thần nào. Khi vẽ xong thần phù, phải chọn giờ mà treo. Đa số cho rằng ngày 8 tháng 4 âm lịch, giờ Thìn, là tốt cho các loại thần phù, treo ngay cửa ra vào.
Còn phù “Thượng lương” (hình 2) trước đây gọi là thôn phù, treo vào giờ Dần, ngày Dần, trong tháng; treo ngay giữa cây đòn giông (cây đà ngang, ngay giữa nóc nhà), loại này các thầy tướng địa ít sử dụng, chỉ bên các tu sĩ, các thầy cúng, các thợ xây dựng sử dụng, vì cho rằng phù Thượng Lương thuộc bùa tổng hợp, trừ được các ách tật, nạn tai trong nhà, từ quẻ tiên thiên hoặc hậu thiên bát quái mà hình thành. Phù được viết mực son trên giấy lụa hay vải màu vàng, ngày nay nhà được xây dựng bằng bê tông, nên phù Thượng lương bát quái được vẽ trên gương treo đặt trước cửa chính ra vào.
Nói về gương phù, ngoài phù Thượng lương, còn có gương Bạch hổ dùng để trấn yểm khi nhà ở ngã ba, nhà đối diện có cây đà chỉa vào tâm nhà, hay ở trước miểu, chùa, những nơi thờ tự v.v…
Hiện nay nhiều căn nhà có xu thế thay vì dán phù chú trước cửa nhà mang đầy tính mê tín dị đoan, người ta dựng bằng hai con chó đá, hay long, lân, quy, kình ngư trên nóc nhìn về trước, bên trong có yểm bùa. Công dụng như những lá phù chú nói trên, lại có thẩm mỹ.
2/ Hình Thức Bùa Chú : Thật ra các loại phù chú dùng trừ khử tà ma, sửa chữa nhà không hợp hướng, hoặc trừ những giấc mộng dữ, không có gì là huyền bí, nếu mọi người biết nguyên tắc mà các pháp sư, các nhà tướng địa khi vẽ trên lá bùa.
Như đã nói, đầu tiên phù được làm bằng gỗ đào rồi được vẽ hình hai vị Thần Đồ và Úc Lũy, theo tích truyện cây đào trên núi Đào Đô, cùng mấy câu “thần chú” thích hợp cho từng hoàn cảnh (chữ Hán) rồi được mô tả là “câu quyết trừ tà” có từ pháp thuật do các vị thần linh truyền lại.
Về sau để phù chú mang tính huyền bí, mọi người không thể hiểu trên đó viết những gì mà có pháp lực phi phàm, các pháp sư đã thay đổi hình vẽ hai vị thần bằng biểu tượng hoặc bằng hình Bát Quái tiên thiên hay hậu thiên, và các câu “thần chú” thay vì viết bằng chữ Hán nay viết qua chữ Phạn, theo lối chữ thảo, kéo dài ngoằng ngèo như rồng bay rắn lượn, đầy tính huyền hoặc như mật mã để không ai còn đọc được.
Đến nay các pháp sư, thầy cúng chỉ biết đến tên của lá bùa, khi hết lại sao y làm nhiều bản khác, đôi khi thành “tam sao thất bản”. Còn tâm lý người sử dụng khi thấy tờ phù chú càng huyền hoặc lại càng sùng bái, tin tưởng hơn.
 Hơn nữa khi các tờ phù chú, có khi được vẽ lộng kính, hay trên những tấm thép lá mỏng, tới tay mọi người, các pháp sư còn cúng khai khuông trừ tà, và chờ ngày lành tháng tốt đem “khai quang điểm nhãn” mới được cho là thần linh đã nhập giữ được cửa nhà.
 Để giải ác mộng, tai ương hay bùa ngải, các tờ phù chú được gấp nhỏ, để vào những nơi như bóp (ví), dưới gối, còn trẻ em thì cho vào một bao vải nhỏ có dây ngũ sắc để đeo vào cổ trước khi đi ngủ. Các chùa chiền thường cho tín đồ hay khách hành hương những lá bùa “Trì chú” (hình 3) để trấn áp các chuyện trên.
Người Nhật cũng hay dùng bùa chú khi gặp những điều xui rủi, để được “chuyện dữ hóa lành”. Khi giải trừ, họ thường niệm thần chú những câu sau đây :
- “Hách hách dương dương, nhật xuất Đông Phương, đoạn tuyệt ác mộng, tịch trừ bất tường”
Sau đó nhìn hướng đông (mặt trời mọc), chủ ý nhìn vào hướng có dương khí, thở hít vào. Khi thở ra nhìn về hướng bắc. Làm đi làm lại nam bảy lần, nữ chín lần, hít thở dương khí như thế để trừ vận rủi.
Người Nhật cho rằng “câu thần chú” này do Quản Lộ đời Tam quốc (vào năm 224 – 246) viết ra từ bí pháp do Hoàng Đế để lại.
Thiên Việt (trong cuốn “Almanach Tâm Linh” sắp xuất bản)

XEM CHỈ TAY ĐOÁN VẬN MỆNH


ĐƯỜNG CHỈ TAY CÓ GÌ LẠ ?

1/- Dấu hiệu được thừa hưởng gia tài

Bạn muốn biết mình có được hưởng gia sản thừa kế hay không ? 1 số dấu hiệu xuất hiện trên bàn tay sẽ giúp bạn đoán định rõ hơn về điều này.
1/. Có 1 đường thẳng đi từ trong gò Kim Tinh lên gặp ngôi sao ở gò Mộc Tinh (mô thịt nằm dưới chân ngón trỏ): được thừa hưởng gia tài lớn.
1bis/. Đường thẳng từ gò Thái Âm lên gặp ngôi sao ở gò Mộc tinh : Dấu hiệu được thừa hưởng gia tài lớn do kết hôn với nơi quyền quý, cao sang.
2/. Hình thửa ruộng (chữ điền) ở gò mộc tinh: có được của cải, nhà cửa, ruộng đất.
3/. Dấu “con sông” ở gò Thái Dương (mô thịt nằm dưới chân ngón đeo nhẫn) : có cuộc sống sung sướng và hưởng một gia tài lớn.
4/. Dấu “6 ngôi sao” xuất hiện trên bàn tay: được thừa hưởng một gia tài lớn từ cha mẹ.
5/. Bốn đường tương đối hẹp ở ngấn chân ngón cái: được thừa hưởng gia tài lớn.
6/. Hình cái xẻng trên gò Kim Tinh: có cuộc sống gia đình hạnh phúc và sung túc.
7/. Ngôi sao ở góc do đường Sinh Đạo và đường Trí Đạo hợp thành: được thừa kế tài sản lớn từ 1 người phụ nữ.
8/. Nếu có hình ngôi sao xuất hiện ở vòng cổ tay thì chủ nhân bất ngờ được hưởng gia tài hoặc trúng số độc đắc. Nếu có 3 ngôi sao cùng xuất hiện thì càng được nhiều của cải gấp bội.
9/. Chữ thập trong chữ V ở vòng cổ tay: có của cải do người khác để lại, tuổi già được hưởng phúc lộc.
10/. Hai đường Trí Đạo chạy song song: gặp nhiều may mắn, được hưởng gia tài vào khoảng giữa cuộc đời.
11/. Nhiều đường chỉ song song ở dưới gò Kim Tinh, gần bìa bàn tay: được kế thừa và hưởng gia tài vào lúc tuổi già.
12. Nhiều đường chỉ nhỏ chạy theo chiều ngang đốt cuối cùng của ngón trỏ: là dấu hiệu được hưởng gia tài.
13/. Ngôi sao ở cuối đường Tâm Đạo: được hưởng gia tài bất ngờ do nhân tình để lại, tuy nhiên lại bị tiêu tan vào tay 1 nhân tình khác.
14/. Hình tam giác ở gò thái âm: được hưởng gia tài lớn.
15/. Ngôi sao nằm giữa lòng bàn tay: được thừa kế gia sản lớn. (theo Tiếng nói của bàn tay)

2/- Xem chỉ tay để biết sức khỏe

Theo ‘ngôn ngữ của bàn tay’, đường chỉ tay không chỉ bật mí về sự nghiệp, tình yêu và hôn nhân mà còn tiết lộ tình trạng sức khỏe của chủ nhân.
Nhìn vào hình để so sánh và khám phá sức khỏe của bạn.
1/ Đường Tâm Đạo hình bậc thang : Trên đường Tâm Đạo, phía dưới ngón áp út có hình bậc thang đại diện cho sự mất cân bằng chất canxi trong cơ thể, có ảnh hưởng đến thói quen ngủ, nghỉ bình thường.
2/. Dấu hiệu liên quan đến răng : Nếu phía trên đường Tâm Đạo, ở giữa ngón út và ngón áp út xuất hiện một số đường vân nhỏ sẽ liên quan đến bệnh ở răng.
3/. Hình hoa thị trên đường chỉ tay : Hình hoa thị xuất hiện trên đường chỉ tay thể hiện ảnh hưởng về mặt tâm sinh lý. Nếu xuất hiện trên đường Tâm Đạo có khả năng bị bệnh về tim. Nếu xuất hiện trên đường Trí Đạo thì có khả năng phần đầu bị thương. Nếu có trên đường Sinh Đạo thì thể hiện cho vết thương hoặc vết mổ.
4/. Đường vân nhỏ liên quan tới dạ dày : Một đoạn đường vân nhỏ chạy chéo trong lòng bàn tay thì có khả năng chủ nhân gặp vấn đề về dạ dày hoặc tiêu hóa.
5/. Hình lưới : Phía rìa ngoài bàn tay có một mảng hình lưới biểu thị trong cơ thể có tích nước tiểu axit, dễ phát sinh bệnh tật.
6/. Vết răng cưa trên đường Trí Đạo : Nếu trên đường Trí Đạo có các vết như lỗ chân chim to nhỏ thì có khả năng mắc bệnh đau đầu.
7/. Đường Trí Đạo quá dài : Đường Trí Đạo kéo dài đến mép ngoài của bàn tay thông thường là người hoạt bát quá mức, đặc biệt là trẻ con.
8/. Đường liên quan tới bệnh dị ứng : Đường này dài xuyên qua gò Thái Âm thì dễ mắc các bệnh dị ứng.
9/. Hình oval trên đường Tâm Đạo : Đường Tâm Đạo phía dưới ngón giữa xuất hiện hình oval thì thính giác có khiếm khuyết. Nếu hình này ở phía dưới ngón áp út thì có vấn đề về mắt.
10/. Đường phân nhánh hướng xuống dưới : Khi mắc các bệnh u uất về tinh thần thì trên đường Trí Đạo thường xuất hiện đường phân nhánh hướng xuống dưới. Sau khi hồi phục thì đường đó sẽ lại hướng lên trên, trở về hướng ban đầu.
11/. Đường Tâm Đạo có đoạn mờ : Nếu trên đường Tâm Đạo có đoạn chỉ tay mờ thì biểu thị có một khoảng thời gian tâm lý rơi vào tình trạng căng thẳng.
12/. Hình oval trên đường Trí Đạo : Hình oval xuất hiện trên đường Trí Đạo biểu thị cơ thể suy yếu, xuất hiện trên đoạn khởi đầu đường Trí Đạo tức là có bệnh về hô hấp. Nếu hình oval xuất hiện càng gần phía hướng về cổ tay thì người đó thể chất suy nhược.
13/. Đường liên quan tới vết thương : Đường vân ngang cắt qua Trí Đạo biểu thị sự thay đổi lớn về tâm trạng. Đường này càng dài càng chứng tỏ ảnh hưởng của sự kiện đó rất lớn.
14/. Chai sần : Chai là chỗ da cứng lồi lên, thường do ma sát nhiều tạo thành, nhưng đôi khi nó cũng là dấu hiệu báo bệnh tật của một cơ quan nào đó. Vết chai nằm giữa lòng bàn tay (như trong hình) có khả năng bị bệnh thận.
15/. Vân hình thoi : Khoảng 1/3 phía dưới lòng bàn tay có xuất hiện vết nhăn lớn hình thoi ép sát đường Sinh Đạo thì có thể có vấn đề về phụ khoa đối với nữ giới, bệnh tiết niệu đối với nam giới.
16/. Đường vân sát cổ tay vòng lên : Nếu trên cổ tay phụ nữ có một đường cổ tay vòng lên cao hướng về lòng bàn tay chứng tỏ khá yếu về phụ khoa, gặp khó khăn khi sinh nở.

3/- Thường xuyên xoa bóp bàn tay

Bàn tay là phần mở rộng của bộ não và tất cả các bộ phận trên cơ thể của bạn. Vì vậy, hãy thường xuyên xoa bóp tất cả các phần của bàn tay để có một cơ thể khỏe mạnh toàn diện :)
Xuân Mai post

Xem tướng người tài trong kinh doanh qua bàn tay



Theo sách Tiếng nói của bàn tay có giới thiệu một số đặc điểm nhận diện người có khả năng kinh doanh trên bàn tay, xin giới thiệu mọi người để cùng chiêm nghiệm:
1. Những nhà kinh doanh, buôn bán lớn thường có bàn tay vuông (thực tế) với những ngón tay nhẵn nhụi (biết tổng hợp) và ngón trỏ thẳng (để chỉ huy).
2. Những nhà kỹ nghệ lớn, giàu nứt đố đổ vách đều có các đốt tay thứ 2 thon và rất dài, nhất là đốt thứ 2 của ngón út.
Người nào có nhiều đốt 2 ngắn và mập là người có bụng dạ hẹp hòi, thường gặp rất khó khăn trong việc làm ăn buôn bán.
3. Người làm ăn buôn bán lớn và cả những kẻ đầu cơ giỏi đều có những khớp giữa đốt thứ 2 và đốt thứ 3 của ngón tay rất to. Họ là người có khả năng tính toán, biết cách sắp xếp, tổ chức và tổng hợp vấn đề. Nếu họ lại có đốt thứ 3 to là người tính toán chi li và cũng khá ích kỷ.
4. Có dấu “rùa vàng” ở gò thủy tinh: Người này sẽ giàu có vì buôn bán.
5. Có chỉ nhỏ từ đường sinh đạo chạy lên gò thủy tinh : Người này sẽ thành công lớn trên thương trường hoặc trở thành nhà kỹ nghệ hay luật gia danh tiếng.
6. 3 hay 4 đường từ vòng cổ tay lên gò kim tinh : Đây là dấu hiệu báo trước về sự thành đạt trong buôn bán.
7. Có hình tam giác ở gò thủy tinh : Người này có khả năng về ngoại giao và buôn bán.
8. Các đốt 2 của ngón tay đầy thịt: Họ là người hiểu biết về việc buôn và công nghệ một cách thành thạo.
9. Gò thủy tinh ngả về cạnh bàn tay: Chủ nhân là người có óc thực hành, thạo buôn bán và công nghệ.
10. Gò thủy tinh trũng xuống so với cạnh bàn tay: Người này sẽ không gặp may mắn nếu đi theo nghề kinh doanh buôn bán.
11.  Cạnh bàn tay, phía chân ngón út, phồng lên như có một cái xương chồi ra: Người này có tham vọng cao độ về tiền bạc.
12. Ngôi sao trên gò thủy tinh: Người này dễ thành công nếu đi theo lĩnh vực y khoa, khoa học hoặc trong nghệ thuật buôn bán, giao dịch.
13. Hình tam giác trên gò thủy tinh: Chủ nhân có năng khiếu về ngoại giao và buôn bán.
14. Hình vuông trên gò thủy tinh: Rất có năng khiếu về buôn bán.
15. Hai vòng tròn trên gò thủy tinh: Người này sẽ thu được vốn lợi lớn về tiền  bạc nhờ kinh doanh buôn bán.
Quế Phượng post

KHAI QUANG ĐIỂM NHÃN LÀ GÌ ?


TÌM HIỂU VỀ PHƯƠNG PHÁP

HÔ THẦN NHẬP TƯỢNG

Tức “Khai Quang Điểm Nhãn”

Đây là một tài liệu về cách HÔ THẦN NHẬP TƯỢNG tức thuật KHAI QUANG ĐIỂM NHÃN sưu tập được mà quên mất nguồn :
“Tượng Phật mới thỉnh về từ các tiệm buôn cần tẩy uế, hay rửa cho sạch bụi. Dùng một bát nước sạch có thêm hương liệu từ hoa tươi như cánh sen, hoa hồng, hoa lài v.v…, rồi đọc trì chú bài “Thanh Tịnh Pháp Án Lam Xóa Ha” (21 hay 27  tức đọc 9×3 lần) dùng với ấn Bảo thủ và kiết tường. Nước đã dùng đổ ra trước sân hay vẩy chung quanh nhà, không đổ xuống cống.
Trì chú Thanh Tịnh Pháp 7 hay 9 ngày. Dùng chỉ ngũ sắc kết lại thành dây. Ngũ sắc là năm mầu của ngũ hành: Vàng, Trắng, Đen (hay xanh da trời), Xanh lá cây, và Đỏ. Dùng chú tẩy uế rồi vừa kết chỉ vừa trì Lục tự Đại Minh Thần Chú “Án Ma Ni Bát Di Hồng”.
Sau khi đã đầy đủ, để kinh Bát Nhã phạn tự trên Kinh Đại Bi Sám Pháp, để Đại Bi Tâm chú phạn tự chồng trên kinh Bát Nhã, rồi cuốn tròn lại, cuộn sao cho thấy các chủng tử ở ngoài. Dùng dây chỉ ngũ sắc đã kết cột kinh lại. Có thể gấp lại và bỏ trong bao, dùng dây ngũ sắc cột miệng bao lại.
Vẽ 3 chủng từ Om Ah Hum (Phạn tự hay Tạng tự đều được) canh vẽ sao cho chữ Om nằm phần giữa hai lông mày, Ah ở miệng, và Hum ở cổ của tượng – khoản cách đều nhau. Hay in ra rồi lấy mực đỏ đồ lên. Khi vẽ chữ Om thì trì chữ OM, vẽ chữ Ah thì trì chú AH, vẽ chữ Hum thì trì chú HUM. Nếu tập vẽ các chủng từ, nên mang đi đốt.
Dùng giấy có Om Ah Hum dán ở trong lòng tượng đúng theo vị trí như trên. Để kinh đã cuốn dựng đứng trong lòng tượng. Để cho chữ viết đứng, đừng để ngược xuống. Niêm kín lỗ rỗng dưới lòng tượng lại. Phần này luôn trì “Nam Mô Thiên Thủ Thiên Nhãn – Quán Thế Âm Bồ Tát Linh Cảm Ứng”.
Tất cả vật dụng đều phải dùng chú để tẩy uế ! Sau đó đọc kinh an vị Phật (xem trong kinh nhật tụng)
Các tượng Phật Bồ Tát khác cũng làm như thế. Vẽ thêm chủng từ của vị Phật hay Bồ Tát của hình tượng ở phần đầu của chú Đại Bi Tâm phạn tự.
Hình Phật hay Bồ Tát cũng theo trên mà làm. Dùng nước thanh tịnh để lau chùi khung ảnh. Phần sau của hình thì vẽ các chủng tử Om Ah Hum như đã dẫn ở trên. Hay in ra dùng mực đỏ vẽ đồ lên các chủng từ rồi dán sau hình cũng được. Kinh và dây ngũ sắc để phía sau hình.
Đây là cách cho các bạn ở xa không phương tiện nhờ chư Tăng hay các thầy điểm nhãn cho hình tượng chư Phật hay Bồ Tát.
Hình tượng đã thờ lâu ngày không cần phải làm. Để đỡ tốn tiền mực, dùng hình kinh Bát Nhã phạn tự chữ đen trên nền trắng.

NHỮNG CÁCH KHÁC

Một cách khác của Thày Sương Mãn Thiên chỉ như sau : Tượng mới thỉnh về cũng làm sạch như đối với bát nhang. Các đồ trì chú cho vào tượng qua lỗ trống ở dưới đáy tương tự như khi cho vào bát nhang. Sau đó, dùng băng keo dán kín lỗ ở dưới lại. Lập đàn pháp của Tiên gia theo nghi quỹ sau :
Nghi thức cúng luyện phép :
Thường thường luyện vào các thời Tý – Ngọ – Mão – Dậu. Luyện theo trình tự như sau :
• Người luyện trước đó phải tắm rửa sạch sẽ.
• Thắp nhang 3 nén chắp tay cầm nhang theo hiệp chưởng ấn.
• Quán tưởng Linh phù như sau :
• Đọc CHÚ TỊNH PHÁP GIỚI : (Ôm ram xóa ha) – 7 lần.
• Tịnh CHÚ TAM NGHIỆP : (ÁN SA PHẠ BÀ PHẠ – TRUẬT ĐÀ SA PHẠ –ĐẠT MA SA PHẠ – BÀ PHẠ TRUẬT ĐỘ HÁN) – 3 lần.
• Đọc CHÚ NIỆM HƯƠNG : (NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT) – 3 LẦN.
Nam mô hách hách dương dương.
Nhật xuất Đông Phương.
Vạn sự Thần Pháp kiết tường.
Hộ Thần đệ tử thủ chấp phần hương.
Họa Linh phù Tiên sư Tổ sư chứng giám.
Án Thiên linh linh.
Án Địa linh linh.
Ngã linh Thần phù lai ứng hiện.
Án Thiên viên – Địa phương – Thập nhị công chương.
Thần Phù đáo thử trừ Tà ma ,Quỷ mị bất đáo vãng lai.
Trừ bá bệnh ,trừ tai ương.
(Nam mô Phật tổ Minh dương Bồ tát ma ha tát ) – 3 lần. Xá 3 xá,sau đó cắm nhang trên bàn thờ.
• KIẾT ẤN HỘI TỔ : Bấm ngón tay cái vào ngón Tý của 2 lòng bàn tay, sau đó đưa lên bấm vào móng tay của ngón áp út, móc hai ngón trỏ và giữa vào nhau, ngón út dựng đứng.Đặt ấn Hội Tổ lên sát ngực và đọc CHÚ HỘI TỔ như sau :
• CHÚ HỘI TỔ :
(Nam mô Phật Tổ Như lai chứng minh.
Đạt ma Tổ sư chứng minh.
Nam mô Tam giáo Đạo sư Tam Thập lục Tổ.
Tổ Xiêm, Tổ Lèo, Tổ Miên, Tổ Mọi.
Mình dưới Châu giang – Bà lai đàng Chà.
Mẹ sanh, mẹ Lục, ông Lục Phật Tổ,Cửu Thiên Huyền nữ, Lỗ Ban chơn tử.
Thập nhị Thời Thần. 12 vị Thần Bùa, Thập lục ông Tà bà Tà, bà Lục.
Cảm ứng chứng minh cho Đệ tử là ….. – TUỔI …. đã thông Huệ Tâm, Huệ Nhãn, Huệ Nhĩ, Huệ Thiệt, Huệ Khẩu đắc quả Linh phù cứu Thế, trợ Dân)
 – 3 lần.
• Xả ấn hội tổ lên trên đầu để khỏi đánh trúng các vong linh vô tình đứng gần.
• Đọc xong xá 3 xá.

• THỈNH TỔ LỖ BAN :

(Nam mô vạn Pháp Lỗ Ban.
Nam mô Tiên sư Lỗ Ban.
Nam mô vần vận chuyển.
Nam mô thanh tịnh vận chuyển .
Chư Thần vãng lai trợ trì Đệ tử … – Tuổi …. luyện phép cứu nhân độ Thế.
Sâm ăn băn khoăn – Ba ra rơ tá – Bơ rơ bơ rơ mặc mặc – Cẩn thỉnh Thần minh bảo trì cấp cấp như luật lệnh.) – 3 lần.
• Trong khi đọc Quán tưởng BÙA LỖ BAN như trên.

CHÚ KHAI QUANG – ĐIỂM NHÃN .

Lấy một thau nước sạch – Lấy bông xé bỏ vào và xịt thêm dầu thơm.
Nhúng ông Địa hay Thần Tài vào tắm. Sau đó lấy dẻ lau khô rồi để trên Đạo tràng. Cúng nhang, nến, nước lạnh cho tượng Phật hay rượu cho tượng Thần.
Bắt ấn Tý và đọc chú khai quan
CHÚ KHAI QUANG :
Phụng thỉnh Thổ Địa chi Thần
Hoặc – Phụng thỉnh Tài Thần.
Giáng hạ tại vị chứng minh –Kim vì ấn chú tên là ….Tuổi… Phát Tâm phụng thờ cốt vị. Xin ngài giáng hạ nhập vô – Hồn nhãn nhập nhãn – Hồn nhĩ nhập nhĩ – Hồn tâm nhập tâm – Túc bộ khai quờn –Tâm can, tì phế, thận – Cấp cấp linh linh.
Sau đó cầm ba cây nhang chỉ vào từng chỗ mà đọc :
Điểm nhãn nhãn thông minh .
Điểm nhĩ nhĩ thinh thinh.
Điểm khẩu khẩu năng thuyết.
Điểm phủ túc thông hành.
Cấp cấp như luật lệnh.
Khi quán tường tập luyện nhìn đèn cầy, nhìn nhang sao cho lá Bùa lọt toàn bộ vào trong ánh lửa. Khi luyện phép xong phải nói 3 lần : Tống Thần –Tống Thần – Tống Thần.

MỘT SỐ LÁ PHÙ CẦU TÀI

(có thể bỏ vào tượng hay dán trên bàn thờ).

Cách làm như trên thuộc phái Lỗ Ban của Đạo Tiên Gia. Còn theo Mật Tông thì sau khi đọc xong nghi quỹ của bổn tôn, các bạn chỉ cần trì 21 biến của BẠCH Y THẦN CHÚ, LỤC TỰ MINH CHÚ HAY CHUẨN ĐỀ… vào tượng. Sau cùng là hồi hướng cho các chư vị Thần là xong .
Trên đây là những hiểu biết cần thiết về bàn thờ Ông Địa – Thần Tài . Những điều đó chỉ giúp các bạn có khái niệm và những việc cần phải làm khi lập bàn thờ. Khi lập bàn thờ nên nhờ các vị có chuyên môn cao, đức hạnh trọng làm cho thì bàn thờ mới được linh nghiệm, đủ sức giúp cho thân chủ làm ăn phát đạt. Và điều sau cùng chúng tôi muốn nhắn nhủ các bạn : “CÓ ĐỨC MẶC SỨC MÀ HƯỞNG”, tu thân, tích đức mới là mọi nguồn suối của hạnh phúc. Chúc các bạn thành công. Thân ái.

GIẢI THÍCH THÊM

Bát nhang, Thần Tài – Ông Địa, ông Cóc trước khi đem thờ cúng bắt buộc phải qua công đoạn Bốc bát nhang và hô Thần nhập tượng (Khai quang). Thực chất đây là việc cung cấp cho các vật thờ cúng một nguồn năng lượng ban đầu và sau này trong quá trình thờ cúng, năng lượng đó ngày một tăng trưởng khiến cho độ linh thiêng ngày càng cao. Như vậy việc Bốc bát nhang và hô Thần nhập tượng (Khai quang) là làm tăng Linh khí của pho tượng và bát nhang trước khi thờ cúng.
Các Pháp Sư có những bài Chú hay những linh phù mượn sắc lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế, làm “Phép Trấn Thần” vào bát nhang hay ảnh tượng mới mua (thỉnh) về, nhằm không cho các vong linh hỗn tạp tá vào. Sau đó sên bùa hay dùng Thần Chú để gia trì vào tượng hoặc hình, cuối cùng dùng sắc lệnh đó để Hô Thần Nhập Tượng. Khi gia trì thì sẽ được nguyện lực của Thần Chú sên vào tượng hoặc hình, vì vậy mới có các vị theo chứng minh cho thân chủ khi van vái cúng bái và tạo được linh khí để có thể giúp đỡ cho họ. Nếu không thì chỉ là một tượng hoặc hình bình thường mà thôi, có thể dùng để An Tâm (Khai Quang Điểm Nhãn là làm tăng linh khí cho pho tượng chứ không phải điểm nhãn cho các vị Phật – Tiên – Thánh – Thần. Mỗi vị đều có 1 bài Chú thỉnh riêng).
Ngưới Á Đông chúng ta rất tin tưởng vào vấn đề tâm linh, 1 bức tượng, 1 vật thể, nếu gọi đúng tên, đúng lúc thì sự linh thiêng sẽ ứng nghiệm. Sự cầu khẩn đó ứng nghiệm không phải là ngẫu nhiên mà các vật thể đó đã được vị Thầy làm cho trở nên linh vật, huyền bí. Như vậy, việc khai mở một vật từ vô tri trở nên linh thiêng thì phải có những vị Thầy biết được bộ môn Khai Quang Điểm Nhãn, tức là phải biết mật mã để khai mở (Nếu không có khả năng Khai Quang thì 1 bức tượng chỉ là 1 khối đồng, 1 khối đất mà thôi ). Sự khác biệt giữa vật vô tri và vật linh thiêng là nhờ các Thầy Pháp Sư đọc Thần Chú, cộng thêm những nguyên tắc về tâm linh. Đi sâu vào vấn đề này rất phức tạp.
Vấn đề Bốc bát nhang và hô Thần nhập tượng (Khai quang), có nhiều ý kiến, chúng tôi xin ghi lại cho các bạn một số tài liệu để tham khảo .
“Khai: mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu.
Quang: sáng.
Khai Quang : là lễ dâng cúng Đức Phật (Khai Quang còn có nghĩa là Lễ Điểm Nhãn cho tượng Thần, Phật. Cũng có một số quan niệm hòa đồng cùng lễ Hô Thần Nhập Tượng ).
Điểm Nhãn : là lễ vẽ con mắt Phật.
Tóm lại, Khai Quang là khai mắt cho tượng Phật. Khi vẽ xong 1 tượng Phật, khi tạo xong một cốt Phật, trước khi thờ phượng, người ta làm lễ, niệm kinh, đọc Chú và điểm vào cặp mắt Phật, ấy là lễ Khai Quang. Cũng gọi là lễ Khai Quang Điểm Nhãn (Khi một tượng Phật được đắp và tô vẽ xong, đem tượng Phật đặt đúng vị trí rồi lựa ngày tổ chức lễ Khai Quang Điểm Nhãn cho tượng Phật, sau đó mới bắt đầu thờ cúng tượng Phật).
Vấn đề Khai Quang Điểm Nhãn :
” Khai Quang ” và ” Điểm Nhãn ” là 2 vấn đề hoàn toàn khác biệt với nhau trong một Nghi Thức Phật Giáo.
1. Điểm Nhãn :
Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì “Điểm Nhãn” không hề dính líu gì đến Nghi Thức Phật Giáo mà phát xuất từ giới họa sĩ của Trung Quốc thời xưa. Họ quan niệm rằng trong những bức tranh vẽ về người hay thú vật, tài nghệ của người họa sĩ được thể hiện qua việc vẽ con mắt. Họa sĩ chân tài thì vẽ con mắt có “Thần”, làm cho bức tranh linh hoạt, sống động, y như thật. Thế nên trong một họa phẩm, con mắt thường được vẽ cuối cùng và nếu như người họa sĩ này tôn trọng một bậc họa sư nào đó trong vùng thì cố thỉnh mời cho được vị này đến để “Điểm Nhãn” , tức là hoàn thành nét vẽ cuối cùng của bức tranh : con mắt.
Việc này lấy từ Điển Tích Vẽ Rồng Điểm Nhãn của Trung Quốc :
- “Lương Võ Đế sùng mộ việc trang hoàng Chùa Phật, nên thường sai Tăng Dao họa nơi các Chùa; Chùa An Lạc ở nơi Kim Lăng có vẽ 4 con rồng trắng song không có vẽ mắt. Tăng Dao thường bảo nếu chấm vẽ mắt rồng (Điểm Nhãn) thì nó sẽ bay đi. Người ta cố nài chấm vẽ mắt.
Trong chốc lát, sấm sét nổi lên phá vỡ bức tường, 2 con rồng cỡi mây bay lên trời, còn 2 con chưa vẽ mắt vẫn ở chỗ cũ” (Theo Lịch Đại Danh Họa Ký Đời Lương).
Do đó, trong quảng đại quần chúng mới ứng dụng Điển Tích này trước khi bắt đầu Lễ Hội Múa Lân Sư Rồng : Trước khi ” Khai Trương ” một con Lân mới, họ phải làm lễ “Khai Quang Điểm Tinh” tức là “Điểm Mắt Cho Lân” (Khi chế tạo đầu Lân, các nghệ nhân bao giờ cũng chừa lại 2 con mắt). Lân sau khi hoàn thành tại cơ sở sản xuất, thì phải tới Chùa hoặc trước bàn thờ Sư Tổ để làm lễ “Tinh Điểm Khai Quang” trước khi đem biểu diễn.
Sau khi lựa ngày tốt, các chú Lân – Rồng sẽ thực hiện Nghi Thức “Khai Quang Điểm Nhãn” với 1 dấu chấm CHÂU SA vào Giữa Trán hoặc Lưỡi để chính thức hoạt động. Cúng Tổ và điểm mắt rồi thì Lân – Rồng mới “sống dậy” và múa được; Khi Lân – Rồng đã cũ, thì người ta đốt cháy nó để “trả lại cho Trời”… Như vậy việc “Điểm Nhãn” là như thế.
2. Khai Quang :
Khai Quang theo như chúng tôi được biết là một phần nằm trong Nghi Lễ An Vị Phật. Một số Phật tử khi mới thiết lập bàn thờ Phật trong gia đình, hay khi thỉnh tôn tượng của Phật hay Bồ Tát về thờ, thường mời quý Thầy đến làm lễ an vị Phật, trong đó có Nghi Thức Khai Quang. Cũng có khi Phật tử mang những tôn tượng này đến Chùa để nhờ 1 vị Thầy Khai Quang dùm.
Nghi Thức này bao gồm các điểm chính yếu như sau : Vị Thầy dùng cái Kính đàn (Tức là kính soi mặt mới mua về chưa có ai soi vào đó ), 1 chén nước và 3 nén hương. Tôn tượng đó được phủ bằng 1 tấm vải vàng, sẽ được vị Thầy chủ lễ vừa đọc kinh vừa từ từ kéo ra và làm những công việc cụ thể như chiếu kính vào bức tượng, rảy nước… đồng thời vừa đọc Chú vừa lấy tay vẽ chữ “Án” (OM) bằng tiếng Phạn (Theo người Atlantis : Thượng Ðế là đấng tối cao, ít khi được nói đến tên, mà chỉ tôn xưng là Ngài. Khi cần cầu đến Thượng Ðế thì chúm môi lại tròn như chữ o và phát âm thanh “o” để chỉ mặt trời, và ngậm miệng lại phát âm thanh “om” (Nhiều câu chú trong kinh Phật có chữ “Ôm”, ta thường đọc là “Úm” hoặc “Án”). Nếu được như thế thì đó là căn nguyên của tiếng “Om” trong khi thiền vậy).
Nghi thức “Khai Quang” tựu chung là như vậy và quý Thầy của tất cả các tông phái Bắc Tông, Nam Tông và Mật Tông của VN đều sử dụng Nghi thức này nếu có yêu cầu của Phật tử.
Posted on  by Thiên Việt