Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Tín ngưỡng dân gian với việc thờ Thần

Trong đời sống tâm linh người Việt thì tháng Chạp và tháng Giêng là những tháng tập trung nhiều ngày Lễ, Hội. Việc này hình thành, tồn tại từ lâu đời và mấy năm gần đây càng rộ nở bởi nó có cội nguồn từ vấn đề “tín ngưỡng” và “tôn giáo”. Tế, Lễ, Thờ, Cúng là những vấn đề nhậy cảm và không ít người tuy tham gia, đôi khi khá tích cực nhưng đâu đã hiểu hết cội nguồn, ý nghĩa của nó.

1. Trước hết về ngữ nghĩa:

Theo đa số các Từ điển thì:

Đạo (H: 道,宗敎, A: The absolute principle - The religion, P: Le principle absolu - La religion) hay Đạo lý có nhiều cách giải thích với mỗi tôn giáo khác nhau. Nhưng chung quy lại đó là một cái lẽ nhất định ai cũng phải noi đấy mà theo. Như “nhân đạo chủ nghĩa” 人道主義 cái chủ nghĩa về đạo người , “Vương đạo” 王道 đạo lý của vương giả, “bá đạo” 霸道 đạo lý của bá giả, các nhà tôn giáo đem các lẽ hay trong tôn giáo mình nói cho người biết mà theo gọi là “truyền đạo” 傳道.


Tín ngưỡng (H: 信仰, A: The religious belief, P: La croyance religieuse) là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng Việt Nam giống như các bộ phận khác của văn hóa Việt Nam đều mang những đặc trưng của văn hóa nông nghiệp. Đó là: Tôn trọng và gắn bó mật thiết với thiên nhiên nên sùng bái tự nhiên; Hài hòa âm dương: thể hiện ở các đối tượng thờ cúng: Trời-Đất, Tiên-Rồng, ông đồng-bà đồng,...; Đề cao phụ nữ: thể hiện ở rất nhiều nữ thần như các Mẫu Tam phủ ( Trời-Đất-Nước), Mẫu Tứ phủ (Mây-Mưa-Sấm-Chớp),...; Tính tổng hợp và linh hoạt và hệ quả là tôn giáo đa thần chứ không phải độc thần như trong nhiều tôn giáo khác.

Tôn giáo (H: 宗敎, A: The religion, P: La religion) là một tổ chức lo việc tu hành, dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ, hiền hòa để trở thành bậc cao thượng. Một tôn giáo cần phải có khởi xướng, gọi là Giáo chủ; có hệ thống giáo lý bao gồm tín ngưỡng và tín điều; được tổ chức thành giáo hội để truyền bá giáo lý và có một khuôn mẫu lễ nghi thờ phượng và tế tự.

Tín đồ (H: 信徒, A: Adept, disciple, P: Adepte, disciple) là người tin theo một tôn giáo và gia nhập vào tôn giáo ấy. Trong đó có Thiện nam Tín nữ (H: 善男信女, A: The believers, P: Les croyants) chỉ những nam giới, phụ nữ có tín ngưỡng tôn giáo, tức là nam, nữ tín đồ của một tôn giáo.
Trên thực tế tín ngưỡng đôi khi được hiểu là tôn giáo. Tuy cơ sở của mọi tôn giáo, tín ngưỡng đều là niềm tin, sự ngưỡng vọng của con người vào những cái “siêu nhiên”, đối lập với cái “trần tục” mà con người có thể sờ mó, quan sát được. Song thực ra tín ngưỡng thì mang tính dân tộc, dân gian nhiều hơn và không tổ chức hặt chẽ như tôn giáo. Chỉ khi phát triển đến một mức độ nào đó thì tín ngưỡng có thể thành tôn giáo.

Do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử Việt Nam ta có những tôn giáo ngoại nhập và cả những tôn giáo bản địa. Tôn giáo ngoại nhập đông tín đồ là: Đạo Lão, Đạo giáo (H: 道教,老教, A: Taoism, P: Taoisme), Đạo Khổng, Nho giáo (H: 儒教, 儒教, A: Confucianism, P: Confucianisme), Đạo Phật, Phật giáo (zh. 佛教, sa. buddhaśāsana, pi. buddhasāsāna, bo. sangs rgyas bstan pa སངས་རྒྱས་བསྟན་པ་, A: Buddhism, P: Bouddhisme), Đạo Thiên Chúa (còn gọi là Công giáo, Ki-tô giáo hoặc Cơ Đốc giáo (H: 天主敎, 公敎, A: The Christianism (Catholicism), P: Le Christianisme (Catholicisme), Đạo Tin Lành (H: 新教, A: Protestantism, P: Protestantisme). Còn tôn giáo bản địa có: Đạo Cao Đài (H: 高臺大道, A: The Great Way of Caodaism, P: La Grande Voie du Caodaisme), Đạo Phật Hòa Hảo 和好教.
Trong tín ngưỡng dân gian thì việc thờ Thần (H: 神靈, A: The spirits, P: Les esprits, các Đấng thiêng liêng trong thế giới vô hình) và thờ cúng Tổ tiên (H: 祖宗, A: The ancestors, P: Les ancêtres) của người Việt gần như được nâng lên thành tôn giáo và rất được người Việt chăm lo, cẩn trọng. Vấn đề Thờ cúng Tổ tiên còn được gọi là “Đạo Ông Bà” thì ai cũng rõ và đã từng được phổ biến nhiều trên sách báo và cả trang này nhưng còn việc thờ Thần thì chưa được tìm hiểu thấu đáo và phổ biến nhiều.

2. Thờ Thần trong tín ngưỡng dân gian của người Việt:

Thờ Thần 神 là tín ngưỡng như là một “đạo thuần Việt”, khởi nguồn từ người Việt cổ và luôn đồng hành cùng dân tộc.
Từ thủa sơ khai, người Việt tin là có thần linh ở khắp mọi nơi, mọi chốn và họ thờ phụng tất cả các sức mạnh ấy. Do vậy mới có Thần Núi, Thần Sông, Thần Đất, Thần Bếp…Đạo thờ Thần không có giáo chủ, không có giáo điều cũng tương tự như đạo thờ cúng tổ tiên về ngôi vị thờ và nghi lễ cúng bái. Một số vị thần linh trong nhà, trong làng và các vị thần chung mà người Việt thờ cúng:

2.1. Thổ Công:

Táo quân (H: 灶君 - 灶王, A: The genii of kitchen, P: Les génies du foyer) là vua bếp, tức là vị Thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà.
Thổ Công-Thổ Địa-Thổ Kỳ (H: 土公 - 土地 - 土祇, A: The Genii of the home, P: Les Génies de la maison) là ba vị thần được thờ trong gia đình, một dạng của Mẹ Đất, là vị thần trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Một số giả thuyết cho rằng Thổ Công là một trong ba vị Táo Quân xuất hiện trong truyện sự tích Táo Quân (hay Sự tích ba ông đầu rau). Người chồng mới là Thổ Công (trông coi việc bếp núc, còn gọi là “vua bếp”), người chồng cũ là Thổ Địa (trông coi việc nhà cửa), người vợ là Thổ Kỳ (trông coi việc mua bán). Tuy nhiên, một số người cho rằng Thổ Công là vị thần cai quản vùng đất còn Táo Quân chỉ coi việc bếp núc trong nhà
Thổ Công được nhiều người tin là vị thần quan trọng nhất trong gia đình, nhằm tránh hồn ma quỷ xâm nhập quấy nhiễu gia chủ. Tổ tiên có công sinh thành dưỡng dục nên được tôn vinh nhất. Bàn thờ tổ tiên ở giữa, vị trí quan trọng nhất, bàn thờ Thổ Công ở bên trái, quan trọng thứ hai. Bàn thờ Thổ Công gồm một hương án kê sát tường. Trên hương án có một mâm nhỏ, ba đài rượu có nắp đậy; phía trước là bình hương hoặc đỉnh trầm; hai bên bình hương là đôi nến; đằng sau là bài vị Thổ công. Bài vị có thể là một cái mũ (có thể là 3 cỗ mũ – mũ có cánh chuồn dán trên một bộ áo và đôi hia), ghi đủ danh vị 3 ngài là: “Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân, Thổ địa Long mạch tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần” hay ghi gọn là 定福灶君”Định phúc Táo quân”. Hai bên bài vị có đôi câu đối 有德能司火, 無私可達天 “Hữu Đức năng ti Hỏa, Vô tư khả đạt Thiên”. Ở Nam bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất (đất phải về với đất), nhiều nơi còn gọi Ông Địa là Thần Tài (mọi thứ đều từ đất mà ra).
Người Việt cúng Thổ công vào những ngày giỗ tết, sóc, vọng. Lễ cúng tùy theo gia chủ. Có thể là chay hay mặn và khấn đủ danh vị 3 ngài nói nôm na là Ba vị Táo. Khi cúng lễ tổ tiên, người ta đều phải khấn Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên về.
Những gia đình không lập bàn thờ riêng thì ngày 23 Chạp có cúng. Có thể đủ 3 bộ hay chỉ 1 bộ của Thổ công. Mầu mũ hia thay đổi từng năm: năm hành Kim (Canh, Tân) mầu vàng; Mộc (Giáp, Ất) mầu trắng; Thủy (Nhâm, Quý) mầu xanh; Hỏa (Bính, Đinh) mầu đỏ, Thổ (Mậu, Kỷ) mầu đen. Nhưng thực tế, ngày nay đồ vàng mã ngày càng nặng về lòe loẹt, mấy ai chú ý đến mầu phù hợp cho từng năm! Khi cúng xong hóa kèm cả cá vàng.

2.Thần tài

Thần tài (H: 神財, A: The Genius of fortune , P: Le Génie de fortune) là vị thần mang tài lộc đến cho gia đình và bàn thờ thường được thiết lập ở nơi xó xỉnh góc nhà hàng hiên. Tục thờ Thần tài được người Tàu truyền cho dân ta, với nhiều sự tích nhưng dân gian thường nhắc hai sự tích: một cô gái tên là: Như Nguyện ở hồ Thanh Thảo; là ông Triệu Công Minh ở núi Võ Đang. Khi thờ Thần tài, người Việt sáp nhập Thần tài vào các Thần bản gia như: Thổ địa, Ông Địa, Ông Táo.

Nơi thờ Thần tài là một chiếc khám nhỏ có dán bài vị bằng giấy hay kính đỏ, chữ nhũ vàng có đề các chữ sau:
- Bên trên vẽ một cái cổng mà hai trụ có rồng quấn, trên cổng có chữ: 聚寶堂 “TỤ BẢO ĐƯỜNG”, nghĩa là ngôi nhà có tụ lại những thứ quí báu, phía dưới có vẽ một cái TỤ BẢO BỒN là cái chậu huyền diệu chứa của báu.
-Hai hàng chữ lớn ở chính giữa là danh hiệu của các Thần bản gia thờ: 五方五土龍神 (Ngũ Phương ngũ Thổ Long thần, tức: Hoàng đế ở Trung ương, Bạch đế ở hướng Tây, Hắc đế ở hướng Bắc, Thanh đế ở hướng Đông, Xích đế ở hướng Nam, Thổ Công chủ nền nhà, Thổ Thần chủ khu đất, Thổ Địa trực ở cổng để tiếp dẫn Thần Tài vào nhà, Thổ Phủ bảo hộ các kho hàng và Thổ Kỳ cai quản mặt đất nói chung); 前後地主財神 (Tiền hậu địa chủ Tài thần, tức Thần tài chủ đất trước kia và Thần tài chủ đất hiện nay); quanh hai dòng này là các chữ 招財 ( Chiêu tài: mời gọi tiền của), 進寶 (Tiến bảo: dâng hiến bảo vật), 如意吉祥 (Như ý cát tường: tốt lành như mong muốn), 一帆風順 (Nhất phàm phong thuận: thuận buồm xuôi gió), 四季平安 (Tứ quí bình an: bốn mùa bình an).

- Hai bên khám có đôi câu đối: 土能生白玉 (Thổ năng sinh Bạch ngọc, Đất thường sanh ngọc trắng) 地可出黃金 ( (Địa khả xuất Hoàng kim, Đất khá xuất vàng ròng). Ngoài bài vị Thần Tài còn có: tượng Ông Địa và tượng Ông Thần Tài. Trong khám còn có đèn nến, ly nước, ly rượu, mâm bồng đặt hoa quả bánh kẹo. Việc cúng Thần tài thực hiện quanh năm, đặc biệt những ngày giỗ, tết, sóc, vọng, mỗi dịp xuất vốn làm ăn buôn bán. Khi đó gia chủ thắp hương, khấn vái cầu xin Thần tài cho mua may bán đắt, trúng mối lời nhiều, đem lại nhiều tiền bạc sung túc.

2.3.Tiên sư, Thánh sư hay Nghệ sư
Là thờ người có công lớn đối với một nghề nào đó hoặc giúp phát triển hoặc sáng tạo ra nghề đó được các thế hệ sau tôn trọng và suy tôn là làm người sáng lập. Đây chính là đạo “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Bàn thờ này được đặt ở bên cạnh bàn thờ Gia tiên, phía bên kia là bàn thờ Thổ công. Bài vị của Thánh sư có thể là một bức ảnh của vị Thánh sư.
Ngoài những ngày giỗ tế, người ta cúng Thánh sư vào kỵ nhật của Thánh sư; để nhớ ngày qua đời của ông tổ nghề của mình.

2.4.Tiền chủ
Là việc thờ chủ cũ 前主 của ngôi nhà để cầu mong vong hồn họ khỏi về quấy rối. Bàn thờ là cây hương đặt ngoài sân, không có bài vị. Cúng vào ngày 01, rằm với hương hoa quả. Khi khấn chỉ cần “Bản gia tiền chủ”.

2.5. Thờ Quan Công, Thần Hổ, Sơn thần, Mộc tinh:
Nếu thờ Thần Hổ có thể thờ Bạch Hổ hay Ngũ Hổ và khi cúng phải có thịt sống hoặc trứng sống. Khi còn ở quê tôi thấy nhà Cậu Cả, anh trai Mẹ tôi có thờ thần Hổ.

2.6.Thành hoàng làng:
Thành hoàng Thần (H: 城隍神, A: The tutelary spirit of a city, P: Le génie tutélaire d"un cité) là vị Thần có trách nhiệm ủng hộ (về phương diện thiêng liêng) dân chúng sống trong một cái thành, trong một thị trấn, hay trong một vùng dân cư. Nếu Thành hoàng ủng hộ dân chúng trong một làng, một xã thì gọi là Thần hoàng bổn cảnh (H: 神隍本境, A: The tutelary Genius of a village, P: Le Génie tutélaire d"un village) tương tự như việc thờ tổ tiên và Thổ Công trong mỗi gia đình.
Những người được thờ thường là những người có tên tuổi và địa vị, có công lao đối với làng, xã đó. Tuy nhiên một số làng còn thờ những người lý lịch không “hay ho” gì như trẻ con, ăn xin, ăn mày, trộm cắp... nhưng họ chết vào “giờ thiêng”. Những vị này được triều đình xem xét, Vua (đứng vào hàng Thánh nên có quyền phong Thần cho các bề tôi có công lớn) ban sắc chỉ cho làm Thành hoàng trong địa phương đó, để phù hộ dân chúng trong làng ấy và hưởng được cúng tế của dân làng. Việc phong Thần nầy phù hợp lòng dân, vừa thúc đẩy nhân tài ra giúp nước, lập công với triều đình.

2.7. Tứ bất tử:
Tứ bất tử (H: 四不死, A: The four immortals, P: Les quatre immortels) là Bốn vị thánh bất tử mà tiếng tăm tốt vẫn lưu truyền mãi mãi trong cõi nhân gian từ đời nầy qua đời khác, gồm: Tản Viên (biểu hiện cho ước vọng chiến thắng thiên tai, lụt lội), Thánh Gióng (biểu hiện cho tinh thần chống giặc ngoại xâm), Chử Đồng Tử (biểu hiện cho cuộc sống phồn vinh về vật chất) và Liễu Hạnh (biểu hiện cho cuộc sống phồn vinh về tinh thần). Nhưng có ý cho rằng đó là bốn bậc không bao giờ chết, là: Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Như vậy, tuy không có giáo chủ, giáo lý, giáo hội nhưng tín ngưỡng dân gian hình thành và tồn tại cùng dân tộc, nó có sức mạnh lớn lao. Trong đó việc thờ Thổ Công và Thờ cúng Tổ tiên là phổ cập nhất. Đây là những tập tục gần như trở thành tôn giáo của người Việt. Mặc dù theo hay không theo một tôn giáo nào nhưng mọi gia đình Việt đều quan tâm và trân trọng việc thờ cúng này. Trong điều kiện hiện đại, tuy có những biến đổi mới nhưng những gì tốt đẹp, chắt lọc qua bao đời vẫn chứng tỏ được sức trường tồn của nó. Những cán bộ (như anh em tôi chẳng hạn) tự ghi trong lý lịch là không theo tôn giáo nào nhưng ai mà không nhớ ngày giỗ của Tổ tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, ai mà không cúng Ông Táo Ông Công ngày 23 tháng Chạp tới, ai chưa từng vãng cảnh Đền, Phủ, Miếu?

Đáng buồn là việc thờ Thần ngày nay có xu hướng “thương mại hóa” và tốn kém không ít tiền của, đâu còn nét nguyên sơ đầy tính nhân văn vốn có.

Lương Đức Mến