Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Các loại phù chú :


Các loại phù chú :
Trong thành phố đất hẹp người đông, tìm cho gia đình môt căn nhà lý tưởng vừa ý theo địa lý phong thủy không dê dàng. Và tính sùng bái thần quyền còn đậm sâu trong tâm linh mỗi người, nên mọi người thường dùng đến phù chú để sửa những căn nhà không hợp hướng hay không đủ sắc khí xét theo dương trạch.
Vào đời tiền Hán bên Trung Quốc đã có tục làm phù, tức dùng thân tre dài sáu tấc tính theo đơn vị xưa (một thước Tàu ngày xưa bằng 40 phân ngày nay), có hai mảnh giống nhau ghép lại. Lúc đó phù có uy quyền, bởi do Hoàng Đế gửi cho mọi người. Sau đó các pháp sư cho rằng thần linh cũng có phù để cho mọi người, nên đặt tên là “thần phù”.
Ban đầu cho xuất hiện loại “đào phù” dùng xua đuổi tà ma, lấy câu chuyện của Quách Phác (đời Tấn, năm 276 – 324) viết trong “Huyền Trung Ký”, kể lại chuyện :
- Phía nam kinh thành có núi Đào Đô, trên núi có cây đào to lớn cành lá xum xuê, và trên đỉnh cây có con gà trời đậu trên đó. Khi mặt trời mọc chiếu vào cây đào, con gà trời liền gáy vang báo hiệu một ngày mới đã đến. Bên dưới gốc cây đào có hai vị thần, bên tả tên Long bên hữu tên Viên. Hai vị thần tay cầm một nhành đào, đợi lúc quỷ dữ đi đêm về qua bất thần giết chết chúng (theo tương truyền, hai vị thần Long Viên còn có tên Thần Đồ và Úc Lũy).
Từ đó loan truyền cành đào trên Đào Đô sơn có thể trừ được tà ma quỷ dữ, bọn chúng khi thấy cây đào, hoa đào, hay trái đào đều muốn lánh xa. Mọi người rất tin nên đổ xô lên Đào Đô sơn chặt lấy cành đào, hoa đào hay trái đào mang về, dùng làm vật trấn loài yêu ma quỷ quái trước cửa nhà.
Các pháp sư làm “đào phù” bằng cách cho vẽ cành đào, hoa đào hay người cầm trái đào tiên, cho dán trước cửa (theo tương truyền Hoàng Thạch Công là người đầu tiên sáng tạo ra “đào phù”). Đến ngày nay vào dịp tết, mọi nhà thường trưng hoa đào, vừa trang trí đón xuân, vừa mang ý nghĩa xua tà đuổi ma.
ần dần có người muốn tờ “đào phù” không chỉ dán trước cửa nhà được năm ba ngày rồi hư hỏng, họ muốn để đạo phù hiện hữu quanh năm cho đỡ tốn kém, nên “đào phù” bắt đầu được làm bằng gỗ đào chỉ to bằng khổ sách, trên mặt khắc hình hai ông “thần giữ cửa” tức Thần Đồ và Úc Lũy, trong “đào phù” còn viết những “câu chú” giản dị, đặt nơi ma quỷ thường xâm phạm, nếu thấy phù phải tránh xa.
Đào phù có 12 miếng, viết từ chi Tý đến chi Hợi, nhà nào thuộc hướng chi nào lấy đào phù theo chi ấy.
Theo các sách, “đào chú” ra đời vào đầu thế kỷ thứ 3 và vào cuối thế kỷ trên đã biến dạng, bởi “đào phù” không nhất thiết phải vẽ trên ván đào, có khi làm bằng lá kim loại, vẽ trên gương, hay trên vải, trên giấy miễn sao giữ được lâu ngày. Bấy giờ không còn gọi “đào phù” mà thay bằng tên gọi “phù chú” hay “bùa chú”.
1/- Phù Trấn Trạch : Trong thuật xem địa lý phong thủy đặc biệt về dương trạch, nếu thấy căn nhà có họa dữ hoặc xảy ra sự việc bất tường, các thầy tướng địa thường dùng một số cách để cứu vãn, nhằm hóa hung thành kiết, gặp dữ hóa lành.
Theo Dũ Tín trong cuốn Dũ tử sơn tập – Tiểu nguyên phú, có câu “Dùng mai thạch trấn trạch thần, dùng gương soi trấn sơn tinh” (là 2 loại dùng trừ khử các ác thần).
Thông thường phù chú được viết trên giấy thô màu vàng, dùng để đeo trong người hay treo dán trước cửa nhà, hoặc để trong nhà, chôn xuống đất trừ họa tai.
- Loại phù “Ngũ nhạc trấn trạch” gồm 5 loại, chia ra trung tâm và bôn hướng Đông Tây Nam Bắc, khi gia chủ bất an hoặc thấy bất lợi về mặt vật chất hay tinh thần, dùng một trong năm loại phù này mà dán ở tâm cửa ra vào .
- Phù “Thập nhị niên thổ phủ thần sát” gồm 12 lá, từ Tý đến Hợi. Khi xây dựng nhà phạm phải thổ thần, hung thần, dùng ván gỗ cây đào để vẽ phù, đặt ngay chỗ phạm.
- Phù “Tứ phương thổ cấm tính thoái phương thần”, gồm 4 loại :1- Hợi – Tý – Sửu (Bắc, Đông Bắc), 2- Tị – Ngọ – Mùi (Nam, Tây Nam), 3- Thân – Dậu – Tuất (Tây, Tây bắc) và 4- Dần – Mão – Thìn (Đông, Đông Nam), có nghĩa dán ở phương nào thì quỷ thần phương đó phải lánh, vì đã do Thần Đất ngự trị, cai quản. Khi phạm “tam sát hung thần” dùng ván đào viết chữ son đặt vào nơi phạm (hình 1).
- Ngoài ra còn có các loại phù trấn khác như “Trấn hành niên kiến trạch thần” (tức yểm năm xây dựng xấu), trấn tám vị trí quái hào phản nghịch, trấn thân phòng tương khắc (vợ chồng thường hay xích mích), thôn phù Thượng lương v.v…
Các loại phù trấn trạch, ngày trước được vẽ trên ván đào mực chu sa, có kích thước nhất định, như rộng một thước hai (thước Tàu) hợp cho loại “Trấn trạch thập nhị thổ phù thần sát”, cao một thước hai phạm ác thần nào khớp với 12 Địa Chi hay 24 phương hướng.
Trên ván các thầy tướng địa có khi thêm chữ Thiện hoặc Phúc, tùy theo ngôi nhà phạm phải ác thần nào. Khi vẽ xong thần phù, phải chọn giờ mà treo. Đa số cho rằng ngày 8 tháng 4 âm lịch, giờ Thìn, là tốt cho các loại thần phù, treo ngay cửa ra vào.
Còn phù “Thượng lương” (hình 2) trước đây gọi là thôn phù, treo vào giờ Dần, ngày Dần, trong tháng; treo ngay giữa cây đòn giông (cây đà ngang, ngay giữa nóc nhà), loại này các thầy tướng địa ít sử dụng, chỉ bên các tu sĩ, các thầy cúng, các thợ xây dựng sử dụng, vì cho rằng phù Thượng Lương thuộc bùa tổng hợp, trừ được các ách tật, nạn tai trong nhà, từ quẻ tiên thiên hoặc hậu thiên bát quái mà hình thành. Phù được viết mực son trên giấy lụa hay vải màu vàng, ngày nay nhà được xây dựng bằng bê tông, nên phù Thượng lương bát quái được vẽ trên gương treo đặt trước cửa chính ra vào.
Nói về gương phù, ngoài phù Thượng lương, còn có gương Bạch hổ dùng để trấn yểm khi nhà ở ngã ba, nhà đối diện có cây đà chỉa vào tâm nhà, hay ở trước miểu, chùa, những nơi thờ tự v.v…
Hiện nay nhiều căn nhà có xu thế thay vì dán phù chú trước cửa nhà mang đầy tính mê tín dị đoan, người ta dựng bằng hai con chó đá, hay long, lân, quy, kình ngư trên nóc nhìn về trước, bên trong có yểm bùa. Công dụng như những lá phù chú nói trên, lại có thẩm mỹ.
2/ Hình Thức Bùa Chú : Thật ra các loại phù chú dùng trừ khử tà ma, sửa chữa nhà không hợp hướng, hoặc trừ những giấc mộng dữ, không có gì là huyền bí, nếu mọi người biết nguyên tắc mà các pháp sư, các nhà tướng địa khi vẽ trên lá bùa.
Như đã nói, đầu tiên phù được làm bằng gỗ đào rồi được vẽ hình hai vị Thần Đồ và Úc Lũy, theo tích truyện cây đào trên núi Đào Đô, cùng mấy câu “thần chú” thích hợp cho từng hoàn cảnh (chữ Hán) rồi được mô tả là “câu quyết trừ tà” có từ pháp thuật do các vị thần linh truyền lại.
Về sau để phù chú mang tính huyền bí, mọi người không thể hiểu trên đó viết những gì mà có pháp lực phi phàm, các pháp sư đã thay đổi hình vẽ hai vị thần bằng biểu tượng hoặc bằng hình Bát Quái tiên thiên hay hậu thiên, và các câu “thần chú” thay vì viết bằng chữ Hán nay viết qua chữ Phạn, theo lối chữ thảo, kéo dài ngoằng ngèo như rồng bay rắn lượn, đầy tính huyền hoặc như mật mã để không ai còn đọc được.
Đến nay các pháp sư, thầy cúng chỉ biết đến tên của lá bùa, khi hết lại sao y làm nhiều bản khác, đôi khi thành “tam sao thất bản”. Còn tâm lý người sử dụng khi thấy tờ phù chú càng huyền hoặc lại càng sùng bái, tin tưởng hơn.
 Hơn nữa khi các tờ phù chú, có khi được vẽ lộng kính, hay trên những tấm thép lá mỏng, tới tay mọi người, các pháp sư còn cúng khai khuông trừ tà, và chờ ngày lành tháng tốt đem “khai quang điểm nhãn” mới được cho là thần linh đã nhập giữ được cửa nhà.
 Để giải ác mộng, tai ương hay bùa ngải, các tờ phù chú được gấp nhỏ, để vào những nơi như bóp (ví), dưới gối, còn trẻ em thì cho vào một bao vải nhỏ có dây ngũ sắc để đeo vào cổ trước khi đi ngủ. Các chùa chiền thường cho tín đồ hay khách hành hương những lá bùa “Trì chú” (hình 3) để trấn áp các chuyện trên.
Người Nhật cũng hay dùng bùa chú khi gặp những điều xui rủi, để được “chuyện dữ hóa lành”. Khi giải trừ, họ thường niệm thần chú những câu sau đây :
- “Hách hách dương dương, nhật xuất Đông Phương, đoạn tuyệt ác mộng, tịch trừ bất tường”
Sau đó nhìn hướng đông (mặt trời mọc), chủ ý nhìn vào hướng có dương khí, thở hít vào. Khi thở ra nhìn về hướng bắc. Làm đi làm lại nam bảy lần, nữ chín lần, hít thở dương khí như thế để trừ vận rủi.
Người Nhật cho rằng “câu thần chú” này do Quản Lộ đời Tam quốc (vào năm 224 – 246) viết ra từ bí pháp do Hoàng Đế để lại.
Thiên Việt (trong cuốn “Almanach Tâm Linh” sắp xuất bản)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét